Những dấu hiệu bất thường khi mang thai
Đa số các bà mẹ mang thai và sinh nở an toàn. Tuy nhiên, cũng có một số người cần đến sự can thiệp của y tế. Các bạn cần biết các dấu hiệu bất thường để nếu gặp phải thì xử trí được kịp thời.Sảy thai
Có nhiều trường hợp sảy thai từ trước khi người phụ nữ biết mình thụ thai. Trứng và tinh trùng kết hợp, nhưng bị đào thải ngay, nên người phụ nữ vẫn hành kinh, không biết là mình sảy thai.
Cũng có nhiều trường hợp sảy thai ta biết được, thường khá sớm, trong ba tháng đầu, nguyên nhân thường là phôi có bất thường về gen nên có thể ngừng thai nghén để không sinh ra một cá thể khuyết tật. Đây thực là một sự đào thải may mắn.
Đa số các phụ nữ sảy thai sớm sau đó lại mang thai và sinh nở an toàn. Chỉ có một số ít trường hợp sảy thai muộn trong tháng thứ tư hoặc tháng thứ năm. Nguyên nhân thường là do điều kiện sức khoẻ của người mẹ, tình trạng tử cung bất thường hoặc hở eo cổ tử cung, do sử dụng một loại thuốc có hại, tiếp xúc với chất độc, do người mẹ bị chấn thương nặng hoặc rau thai có vấn đề.
Đa số các bà mẹ sau đó cũng lại mang thai, sinh nở an toàn, chỉ một số ít trường hợp cần sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
Có một số ít trường hợp sảy thai nhiều lần mà bác sĩ không điều trị được hoặc không tìm ra nguyên nhân.
Ra máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu động thai, sảy thai, nhưng bất cứ khi nào có ra máu, dù là máu tươi hay sẫm màu cũng cần đi khám. Các bạn sẽ được những lời khuyên về dưỡng thai (thường là nằm bất động). Nếu thai đã sảy (biểu hiện là ra máu kèm theo đau bụng dưới), người mẹ cần được điều trị ngay để đảm bảo không sót thai, sót rau và để chống ra máu kéo dài.
Chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là trường hợp trứng sau khi thụ tinh không về được đến tử cung, phải làm tổ trong ống dẫn trứng (cũng có trường hợp nằm trong ổ bụng). Ống dẫn trứng không co giãn như tử cung nên khi thai lớn lên đến một mức độ nào đó thì ống dẫn trứng sẽ vỡ, nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
Triệu chứng chửa ngoài tử cung là ra máu và đau bụng dưới. Người phụ nữ biết mình có thai (hoặc thấy chậm kinh) mà đau bụng và ra máu thì phải hạn chế vận động và đến bệnh viện ngay để chạy chữa kịp thời nếu là chửa ngoài tử cung. Nếu ống dẫn trứng vỡ thì thai phụ sẽ thấy đau đột ngột, ghê gớm, có thể nôn hoặc ngất, và cần được phẫu thuật ngay, có thể phải truyền máu nữa.
Việc có thai ngoài tử cung có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào, nhưng nguy cơ cao hơn ở những người đã từng bị bệnh lây qua đường tình dục hoặc đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng.
Chửa trứng
Hiện nay, vẫn chưa xác định được một cách chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Y học mới xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ chửa trứng như: tuổi của mẹ, sinh đẻ nhiều lần, tiền sử thai nghén lần đầu không bình thường, thiếu chất dinh dưỡng.
Nếu thai phụ có các triệu chứng bất thường sau có thể nghi chửa trứng: ra máu, nghén nặng, nếu đã sinh đẻ có thể nhận thấy bụng to nhanh hơn bình thường, siêu âm thấy kích thước của tử cung to, không tương xứng với tuổi thai, mềm, thấy hình lỗ chỗ trong khối rau như hình ảnh tuyết rơi, siêu âm không có âm vang thai trong tử cung, không nghe thấy tim thai (tim thai âm tính), khám âm đạo và phần phụ có thể thấy nhân di căn âm đạo, to bằng ngón tay, màu tím sẫm, dễ vỡ, gây chảy máu và có thể thấy nang hoàng tuyến (ở một hoặc hai bên buồng trứng) mọng, dễ di động, xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ HCG tăng cao, trên 30.000 đơn vị ếch.
Nếu nghi ngờ bị thai trứng cần đi siêu âm để biết kết quả chắc chắn. Nếu đúng là thai trứng cần lấy trứng ra càng sớm càng tốt để đề phòng sảy trứng, chảy máu nhiều và phát triển thành ác tính.
BS. LÊ KHÁNH VÂN
- Bộ trưởng Bộ Y tế: Phát triển mô hình Bác sĩ gia đình để nâng chất lượng sống cho người bệnh
- TS. Margaret Chan: Chăm sóc sức khỏe ban đầu-"người gác cổng" cho hệ thống y tế
- Bí thư Thăng:Để phát triển mô hình bác sĩ gia đình,chính quyền địa phương cần vào cuộc
- Bác sĩ gia đình: Giải pháp căn cơ cho ngành y tế
- Mô hình Bác sĩ gia đình: Sát dân, tiết kiệm, hiệu quả nhất
- Dị ứng mỹ phẩm: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
- Ngáy và Ngưng thở khi ngủ, nghiệp “Cầm cưa” bất đắc dĩ - Phần II
- Ngáy và Ngưng thở khi ngủ, nghiệp “Cầm cưa” bất đắc dĩ - Phần I
- Rối loạn giọng nói
- Mẹo đơn giản nhận biết cá bị nhiễm độc hay không
-
Khám chuyên sâu