Bí thư Thăng:Để phát triển mô hình bác sĩ gia đình,chính quyền địa phương cần vào cuộc
Sáng 4-3-2016, hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 do Bộ Y tế tổ chức đã diễn ra tại TP HCM dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế. Tham dự hội nghị còn có sự có mặt của Bí thư Thành Ủy Đinh La Thăng; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trần Thị Trung Chiến; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, ông Akdag Recep; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; GS.TS. Lê Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội Bác sỹ gia đình Việt Nam; lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế, cùng lãnh đạo của các Sở Y tế tỉnh, thành phố.
Mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Năm 1995, có 56 nước đã phát triển và áp dụng chương trình đào tạo y học gia đình. Hiệp hội Bác sĩ gia đình toàn cầu (WONCA) đã được thành lập năm 1972 và đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thành viên. Mô hình BSGĐ không chỉ đã phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước đang phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Canada mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia, đặc biệt là Cuba là quốc gia được coi là mẫu hình về phát triển mô hình bác sĩ gia đình ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, năm 1998, Dự án phát triển đào tạo BSGĐ tại Việt Nam với sự tài trợ bởi quỹ CMB (China Medical Board of New York) được Bộ Y tế phê duyệt. Tháng 3/2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Năm 2002, Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình được thành lập tại Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y- Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Thái Nguyên và bắt đầu triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Đến nay đã có thêm Trường Đại học y Hải phòng, Trường Đại học Y- Dược Huế, Trường Đại học Y- Dược Cần Thơ triển khai đào tạo chuyên khoa cấp I y học gia đình.
Nguyên Bộ trưởng Y tế Trần Thị Trung Chiến phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết, mô hình BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Xuất phát từ thực tiễn bước đầu tiếp cận mô hình BSGĐ ở nước ta và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy nếu phát triển mô hình BSGĐ sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Lần đầu tiên tham dự một hội nghị cấp bộ về lĩnh vực y tế, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng rất quan tâm vấn đề quá tải bệnh viện hiện nay. Ông Đinh La Thăng cho rằng, để phát triển mô hình BSGĐ, không chỉ riêng ngành y tế mà cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Ông Thăng đề nghị, Bộ Y tế nên báo cáo với Thủ tướng để chủ trì triển khai mô hình BSGĐ, qua đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, từ cấp tỉnh, thành phố đến quận – huyện và xã- phường phải thực sự vào cuộc, có như vậy mô hình này mới thành công. “Nếu chỉ có một mình ngành y tế, không có chính quyền địa phương vào cuộc thì rất khó để mô hình này thành công ông Thăng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy còn đề nghị Bộ Y tế giúp TP giải quyết 4 vấn đề trong công tác y tế. Đó là thực hiện các giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài để giảm quá tải bệnh viện; thực hiện một cách quyết liệt và chặt chẽ hơn các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; cải cách thủ tục khám chữa bệnh để không còn quá rườm rà như hiện nay gây khó khăn cho người bệnh; tăng cường nâng cao quản lý chất lượng dược.
Ngay tại hội nghị, một số báo cáo về mô hình BSGĐ tại các tỉnh như Tiền Giang, Sóc Sơn mang nhiều ý nghĩa khích lệ tích cực. Đây là những kế quả đáng ghi nhận, đánh giá sự khởi đầu đúng hướng, phù hợp nhu cầu xã hội, góp phần giảm quá tải bệnh viện, giải quyết bức xúc của xã hội. Ngoài ra, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan báo chí truyền thông, cung cấp các thông tin về Hội nghị sơ kết Đề án thí điểm BSGĐ và xây dựng Đề án nhân rộng mô hình BSGĐ của ngành Y tế, để mô hình phòng khám BSGĐ thực sự đi vào cuộc sống, nhân rộng ra trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từng bước góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở.
Nguyễn Tùng
- Bác sĩ gia đình: Giải pháp căn cơ cho ngành y tế
- Mô hình Bác sĩ gia đình: Sát dân, tiết kiệm, hiệu quả nhất
- Dị ứng mỹ phẩm: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả
- Ngáy và Ngưng thở khi ngủ, nghiệp “Cầm cưa” bất đắc dĩ - Phần II
- Ngáy và Ngưng thở khi ngủ, nghiệp “Cầm cưa” bất đắc dĩ - Phần I
- Rối loạn giọng nói
- Mẹo đơn giản nhận biết cá bị nhiễm độc hay không
- Bệnh Tay Chân Miệng và cách phòng ngừa
- Những dấu hiệu bất thường khi mang thai
- Viêm dạ dày
-
Khám chuyên sâu